QVK01

Cố Võ Sư Quách Văn Kế ( 1897-1976 ) sinh quán tại Hà Nội. Ông là môn đệ của Ba Cát, Hàn Bái và Bảy Mùa, ba thầy võ được tôn vinh “Tam nhật” của võ học đầu thế kỷ XX. Năm 1949 , ông thành lập Hội TDTT Lam Sơn, tiền thân của Lam Sơn võ đạo sau này. Sinh thời, thầy Kế được xưng tụng là một trong "Tam nguyệt" cùng với võ sư Trương Thanh Đăng (1895-1985 ) phái Sa long cương và võ sư Vũ Bá Oai (1903-2001) của Hàn Bái đường.

QVK02Từ nhỏ, VS Quách Văn Kế có niềm đam mê kỳ lạ với võ thuật. Dường như ông dành cả thời trai trẻ của mình để tầm sư học đạo. Người thầy đầu tiên cậu bái sư là thầy Ba Cát, tương truyền là vị võ cử sau cùng của triều Nguyễn. Ông xuất thân hàng danh gia võ học, nhiều đời làm quan võ. Ngoài dòng võ gia truyền, Ba Cát còn tham bác võ học Trung Hoa. Chính vốn võ học phong phú của người thầy đầu tiên để chàng trai họ Quách sớm thành danh.

QVK03Ở vùng Tô Lịch, Quách Văn Kế từng là tay đô vật bất khả chiến bại khắp giới vật. Ông còn được ca tụng là "Tiểu La Thành" nhờ đường thương tài hoa. Những dịp hội hè đình đám, Kế luôn được mời diễn võ khắp thôn làng. Khi thầy Ba Cát gác kiếm, ông thọ giáo võ sư Hàn Bái (Lê Bái) con trai một vị lãnh binh, người khai sinh "Hàn Bái đường" sau này. Năm 1928, thầy Hàn Bái đột ngột từ trần. Hai năm sau, Quách Văn Kế bỏ vào Sài Gòn để theo học với thầy Bảy Mùa (Nguyễn Văn Mùa). Đương thời, thầy Bảy cùng với Ba Cát, Hàn Bái được võ lâm ca tụng là “Tam nhật”, ba vầng dương chói lọi trên vòm trời võ học. Sau này, thầy Kế còn học hỏi thêm với sư huynh Vũ Bá Oai, môn đệ đầu tiên của thầy Hàn Bái.

Vốn võ học đa dạng, cộng 33 năm công phu, VS Quách Văn Kế được xem là một trong những cao thủ của làng võ Sài Gòn lúc bấy giờ. Ngưỡng mộ tài nghệ của ông, năm 1943, ký giả Trần Văn Hạnh bỏ tiền lập võ đường để VS Kế truyền lại sở học cho thế hệ kế thừa. Ông Hạnh là chủ nhiệm Dân báo kiêm chủ nhà in Tín Đức, một người có tinh thần thể thao, đặc biệt ham thích võ thuật. Vào thời đó, không kể Tinh võ Thể dục Học hiệu của Hoa Kiều - võ đường của võ sư Quách Văn Kế có thể coi là trường dạy võ qui mô đầu tiên ở Việt Nam. Võ đường có hẳn một Ban quản trị gồm các ông Hoàng Văn Lượng, Nghiêm Văn Bích, Nguyễn Văn Hỉ, Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Chính. Thầy Kế còn "chiêu hiền đãi sĩ" mời thêm nhiều võ sư tham gia Ban huấn luyện như thầy Duy Thu, thầy Thanh Vân, thầy Bảo. Tiếp nối tôn chỉ "chấn hưng võ đạo" của thầy Hàn Bái, thầy Kế cùng các cộng sự nghiên cứu, hệ thống hoá sở đắc của mỗi người, hình thành giáo trình khoa học, thực dụng nhất. Chính nỗ lực này là tiền đề khai sinh "Lam Sơn võ đạo" sau này.

Nguồn: Vo-Thuat.Net

Trở về trang "Giới Võ Thuật Việt Nam"