HCN

Giáo sư Hồ Cẩm Ngạc sinh năm 1923 tại Saigon, thuộc giáo phái Cao Đài, thông thạo năm ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nhật, Trung Hoa và Đức, nghề nghiệp giáo sư ngoại ngữ, võ sư Nhu Đạo và Không Thủ Đạo tại Bộ Thanh Niên. Cha tên là Hồ Hương Hàng, một thương gia sinh quán tại cố đô Huế. Trong số mười anh em, giáo sư Hồ Cẩm Ngạc là huynh trưởng, đã chịu ảnh hưởng nhiều nhất ở tư chất thông minh và đức hạnh của người cha, cho nên thuở nhỏ khi còn ở ghế nhà trường, ông Hồ Cẩm Ngạc đã tỏ ra là một người học trò thông minh xuất sắc và gương mẫu ngay từ thời niên thiếu. Ngoài việc trau luyện văn hóa, ông còn rất hâm mộ võ nghệ và có năng khiếu về hội họa, âm nhạc và thích đọc sách. Ông thường kết giao với những bạn học giỏi võ để có dịp tập luyện.

Năm 1935, ông mới thực sự được thọ giáo với một quyền sư Trung Hoa về quyền thuật Thiếu Lâm. Vị quyền sư này cũng là bạn chí thân của thân phụ ông. Vì cảm mến sự thông minh và hạnh kiểm cũng như tinh thần hâm mộ võ nghệ của ông, vị quyền sư đã không ngần ngại thu nhận vs Hồ Cẩm Ngạc làm môn đồ và đích thân truyền thụ võ công cho ông.

Đến năm 1940, sau khi học xong ban trung học, ông xin làm việc cho một hiệu buôn của người Nhật tại Saigon trong chức vụ thư ký và thông dịch viên. Trong suốt thời gian giúp việc tại hiệu buôn này, ông đã chứng tỏ khả năng làm việc của mình gây được sự lưu ý đặc biệt và lòng cảm mến của vị giám đốc người Nhật. Chẳng bao lâu vị giám đốc Nhật này được lệnh hồi hương. Trước khi rời khỏi Việt Nam, vị giám đốc Nhật có nhã ý mời, ông Hồ Cẩm Ngạc sang Nhật làm việc với ông ta. Sau khi được sự đồng ý của song thân, ông giã từ đất mẹ, sang đất nước Phù Tang của những người võ sĩ đạo. Cũng trong thời gian sống tại Nhật, ông được giới thiệu để theo học Karate với đại úy Yenkoshan (ông này là một sĩ quan không quân Nhật cũng là một quyền sư Karate và Nhu Thuật Judo). Vì sẵn có căn bản võ Trung Hoa, cho nên ông đã lĩnh hội những điều chỉ dạy về Karate của sư phụ mình một cách nhanh chóng. Trong thời gian thụ giáo Karate, đại úy Yenkoshan đã có lòng cảm mến người đệ tử Việt Nam này nên đã thu nhận ông làm dưỡng tử.

Cuối năm 1942 được tin thân phụ ở quê nhà bị bệnh nặng, ông giã từ dưỡng phụ, hồi hương và đến đầu năm 1943 thì thân phụ ông qua đời. Đến cuối năm 1943 qua thư mời của dưỡng phụ ông là đại úy Yenko, ông Hồ Cẩm Ngạc lại sang Nhật một lần nữa. Trong thời gian này ông gia nhập vào ngành không quân Nhật Bản. Chính nhờ ở trong ngành không quân mà ông đã có dịp chu du tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong suốt thời gian sinh sống tại Nhật Bản, Ông đã theo học Nhu Đạo tại viện Kodokan (Đông Kinh), ngoài ra ông còn được thụ giáo với các võ sư cao cấp Nhật Bản về những môn: Karate do (Không Thủ Đạo), Aikido (Hiệp Khí Đạo) và Kendo (Kiếm Đạo) với những thành quả như sau:

• Môn Nhu Đạo (Judo) với cấp bậc huyền đai nhị đẳng (vinh thăng đệ tam đẳng khi hoạt động Nhu Đạo ở Việt Nam).
• Môn Không Thủ Đạo (Karatedo) với cấp bậc huyền đai đệ tam đẳng.
• Môn Hiệp Khí Đạo (Aikido) huyền đai đệ nhị đẳng.
• Môn Kiếm Đạo (Kendo) huyền đai đệ tứ đẳng.

HCN2Đầu năm 1947, ông Hồ Cẩm Ngạc được thăng cấp trung úy và sau đó ông được phép giải ngũ theo đơn xin của ông để ra khỏi ngành không quân Nhật rồi giã từ dưỡng phụ, trở về Việt Nam.

Giáo sư Hồ Cẩm Ngạc thành lập phòng tập Nhu Đạo đầu tiên tại tư gia xóm Rạch Đông, đường Công Lý (Phú Nhuận – Saigon) để huấn luyện một số môn sinh có thiện chí theo luyện tập (vì lúc bấy giờ môn Nhu Đạo chưa được phổ biến mạnh tại Việt Nam). Ông là một trong những người đầu tiên đẩy mạnh phong trào thanh thiếu niên Nhu Đạo Việt Nam.

Cuối năm 1950, ông nhận được thơ mời của bộ Thanh Niên và Thể Thao tổ chức phòng tập Nhu Đạo tại số 75 Phan Đình Phùng (Saigon) – (Sân vận động Phan Đình Phùng). Phòng tập Nhu Đạo tại sân vận động Phan Đình Phùng đã thu hút được một số rất lớn thanh thiếu niên Đô Thành đến tập Nhu Đạo cũng như học sinh các trường trung học công lập Saigon đều được gởi đến, số học sinh đáng kể nhất là trường kỹ thuật Cao Thắng, và trường thực nghiệp Nguyễn Trường Tộ. Ngoài ra, giáo sư còn huấn luyện một "đoàn biểu diễn võ thuật" gồm những võ sinh cao cấp có khả năng và thiện chí đi khắp các tỉnh trình diễn môn Nhu Đạo cùng với các môn Không Thủ Đạo, Hiệp Khí Đạo, kiếm Đạo và Đô Vật. Đoàn biểu diễn này gây được tiếng vang Nhu Đạo đúng theo ý nguyện của giáo sư.

Năm 1955, giáo sư Hồ Cẩm Ngạc là một trong những người sáng lập "Việt Nam Nhu Đạo Thân Thiện Hội" (sáng lập viên gồm có giáo sư Hồ Cẩm Ngạc, ông Đốc công Cảnh, ông Nguyễn Phú Bửu, giáo sư Phan Văn Quan, giáo sư Phạm Lợi, và ông Lê Văn Châu). Trụ sở của hội lúc bấy giờ đặt tại số 75 Phan Đình Phùng.

Đầu năm 1961, sau mười một năm hoạt động, phòng tập Nhu Đạo được di chuyển về trung tâm sinh hoạt Thanh Niên (khu Đại Thế Giới cũ- Chợ Lớn), nơi đây phòng tập khá rộng rãi cho nên số võ sinh gia tăng mạnh mẽ dưới sự hướng dẫn của giáo sư Hồ Cẩm Ngạc và hai phụ tá HLV Lê Hữu Phước và Thịnh Đức Phú.

Từ giữa năm 1962 đến năm 1965 một số phòng tập được thành lập thêm như:

• Phòng Nhu Đạo góc đường Duy Tân Hồng Thập Tự (bây giờ là trụ sở tổng hội sinh viên) do HLV Lê Hữu Phước hướng dẫn.
• Phòng Nhu Đạo tại khu thể thao tỉnh Gia Định do bào đệ của ông là VS. Hồ Châu Bội làm huấn luyện viên trưởng.
• Phòng Nhu Đạo tại Nha Kiến Thiết kế Đô thị đường dành riêng cho nhân viên tại đây tập luyện.
• Sáng lập Hội Nhu Đạo Sơn Điền (Yamadakai) để thay thế Việt Nam Nhu Đạo Thân Thiện Hội.
• Phòng Nhu Đạo tại sở Thanh Niên Đô Thành, do hai HLV Thịnh Đức Phú và Lưu Kế Viễn hướng dẫn.
• Phòng Nhu Đạo tại Chi Thanh Niên Quận 6 Chợ Lớn do hai HLV Âu Vĩnh Hiền và Bùi Văn Lộc hướng dẫn.

Đầu năm 1965, khi phòng tập tại sân vận động Cộng Hòa hoạt động được ba tháng thì trong một tai nạn giao thông tại ngã tư đường Hiền Vương và Bà Huyện Thanh Quan (Saigon), Giáo sư Hồ Cẩm Ngạc đã tử nạn (vào lúc 9h30 sáng ngày 01-5-65) khi cố gắng để cứu lấy mạng sống của hai nạn nhân khác.

Sự ra đi của Giáo sư Hồ Cẩm Ngạc không chỉ là nỗi buồn thương của những môn đồ thân quyến mà còn là sự mất mát lớn lao trong lòng thương tiếc của toàn giới Võ Thuật thời bấy giờ về cách sống cao đẹp cũng như những đóng góp qúy báu của ông trong việc đẩy mạnh phong trào Võ Thuật nhằm đào luyện những lớp thanh thiếu niên trẻ khỏe để phục vụ xã hội.


Nguồn: Trân trọng cảm tạ VS. Hồ Hoàng Khánh đã có nhã ý cung cấp hình ảnh và thông tin cho trang web này.
(Giáo sư Hồ Cẩm Ngạc chính là thân phụ của VS. Hồ Hoàng Khánh)

Trở về trang "Giới Võ Thuật Việt Nam"