ThuongTiec

Tổ Quốc Ghi Ơn Những Anh Hùng Tử Sỹ VNCH
Vị Quốc Vong Thân


Cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào ngày 30/4/1975. Xương máu của toàn thể quân dân cán chính VNCH đổ ra để bảo vệ miền Nam thân yêu được sống trong tự do no ấm đã bị phản bội bởi một số cấp lãnh đạo bất xứng và người bạn đồng minh bất hảo.

VNCH.jpgKhi miền Nam Việt Nam bị bức tử cho quyền lợi và mưu đồ đen tối giữa những thế lực siêu cường, tình thế rơi vào cảnh hỗn loạn không đánh mà tự tan. Những nhân vật từ Tổng Thống cho đến bộ trưởng Quốc Phòng đều cùng gia quyến bình an đào thoát ra nước ngoài bỏ mặc đồng đội, thuộc cấp và những thường dân vô tội từ từ rơi vào tay Cộng Sản. Chiếc ghế Tổng Thống mà xưa kia bao người giành giật, giờ như một màn kịch đã đến hồi ngã màn, được nhường qua nhường lại từ người này sang người khác để cuối cùng Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh buông súng đầu hàng trong sự bàng hoàng của tất cả mọi người.

Nhưng cũng trong cái tập thể VNCH kiêu dũng bất khuất đó, cũng không thiếu những người anh hùng mà khi sống họ đã hiến cả tương lai và cuộc đời mình cho đất nước, bảo vệ mạng sống cho hàng chục triệu người dân Miền Nam VN được sống trong tự do no ấm trước những âm mưu xâm lược của CS Bắc Việt. Họ đã sống cho "Tổ Quốc" và đã chọn cái chết để làm sạch hai chữ "Danh Dự" và "Trách Nhiệm".

FallenSoldier.jpgỞ cương vị của những vị Anh Hùng này, với những phương tiện và thông tin sẵn có, nếu họ muốn an toàn thoát hiểm thì có gì là khó khăn đâu. Nhưng KHÔNG ... vẫn có những vị Tướng can trường vẫn ngang nhiên ở lại cùng nhau chiến đấu mong lật lại tình thế hòng cứu một đất nước đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng. Sức người hữu hạn, khi tình thế khó vẹn toàn vì không muốn nhìn thấy thuộc cấp của mình hy sinh uổng phí, không muốn thêm những dân lành vô tội phải bỏ mình khi kẹt giữa hai lằn đạn giao tranh ... họ đã buộc phải chấp nhận thua cuộc và tự kết liễu đời mình để đền nợ núi sông. Có những cấp chỉ huy cho đến giờ phút chót vẫn tìm phương tiện để di tản những người lính dưới quyền chỉ huy của mình tới người cuối cùng đến được nơi an toàn, rồi thản nhiên trở vô phòng chỉ huy dùng súng lục tự kết liễu đời mình để sống chết với quê hương.

Có những người lính chỉ mới qua cái tuổi đôi mươi, vẫn hiên ngang chiến đấu dù đã có lệnh đầu hàng. Họ tự lập phòng tuyến ngăn không cho những đoàn cơ giới của Bắc quân tiến vào Saigon. Họ kiêu hùng đáp trả lời kêu gọi đầu hàng của địch quân bằng những tràng đạn M16 quyết liệt. Khi biết không có thể làm gì hơn được những người lính trẻ này ngồi lại bên nhau cùng hát lên với nhau ca khúc "Việt Nam ... Việt Nam", và "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" ... rồi ung dung mở chốt lựu đạn để cùng chết chung với Saigon trong cái ngày đen tối đó.

Họ là ai? Họ đã đổ máu xương cho chúng ta được sống trong tự do no ấm của một miền Nam VN trù phú, và họ đã chết cho chúng ta được ngẩng mặt làm người. Hôm nay cũng là ngày 30 tháng 4, một ngày oan nghiệt của 39 năm xưa. Một khoảng thời gian đã quá đủ để chứng kiến những tang thương biến đổi của cuộc đời khi những kẻ chiến thắng đã áp dụng một chính sách trả thù tàn độc lên trên gần một triệu người đã từng phục vụ cho chế độ cũ bằng cách xua họ vào những nhà tù mang mỹ từ "Trại Cải Tạo". Biết bao người đã phải bỏ mình vì không chịu được cảnh rừng thiêng nước độc lao dịch khổ sai. Áp dụng một chính sách kỳ thị với người dân miền Nam, CS đã bắt người dân lâm vào cảnh nghèo đói để dễ cai trị hậu quả là xua hàng triệu người phải tìm đường vượt biên bằng đủ mọi phương tiện để tìm tự do, khiến gần một phần ba số người ra đi đã không may mắn bỏ mình nơi biển cả hay rừng hoang. Tất cả quyền căn bản của con người đều bị tước đoạt, tất cả những nề nếp gia đình, trật tự xã hội, giềng mối văn hóa đạo đức đều bị đảo lộn bởi những "Đỉnh Cao Trí Tuệ" và tư tưởng HCM.

Không dừng cái ác ở đó, người CSVN còn đang tâm cắt đất dâng biển cho quan thầy Trung Cộng khiến cho lòng dân phẫn nộ khắp nơi. Cả cái guồng máy Công An Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân, nhưng thực chất đã bị chính người dân trong nước tặng cho 6 chữ "Hèn Với Giặc, Ác Với Dân", đã đàn áp bắn giết cướp đất đai ruộng vườn của chính người dân mình, giam hãm bỏ tù luôn cả những tiếng nói yêu nước đòi hỏi Trung Cộng phải tôn trọng chủ quyền biển đảo của VN.

Với những sự thật hiển nhiên này, tôi càng thấy cảm phục và tri ân những người lính VNCH thuộc mọi binh chủng. Họ mới là những người anh hùng thật sự đã bảo vệ quê hương dân tộc. Xin được đốt một nén hương lòng để tưởng nhớ những Anh Linh đã Vị Quốc Vong Thân.

ToQuocGhiOn.jpg

DANH SÁCH NHỮNG QUÂN NHÂN QUÂN LỰC VNCH ĐÃ TỰ SÁT TRONG NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG:


1- Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, cựu tư lệnh Quân Đoàn II 30/4/1975
2- Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân Đoàn IV 30/4/1975
3- Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, tư lệnh phó Quân Đoàn IV 30/4/1975
4- Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, tướng tư lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh 30/4/1975
5- Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh 30/4/1975
6- Đại Tá Nguyễn Hữu Thông, trung đoàn trưởng 42 Bộ Binh, Sư Đoàn 22 Bộ Binh- khóa 16 Đà Lat. 31/3/1975 tự sát tại Quy Nhơn
7- Đại Tá Lê Câu, trung đoàn trưởng 47 Bộ Binh, Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Tự sát ngày 10/3/1975
8- Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn (bào đệ của Trung Tướng Lê Nguyên Khang). 30/4/1975
9- Thiếu Tá Không Quân Nguyễn Gia Tập, đặc trách khu trục tại Bộ Tư Lệnh KQ. Tự sát 30/4/75 tại BTLKQ
10- Trung Tá Nguyễn Văn Long CSQG 30/4/1975 tự sát tại công trường Lam Sơn, Sài Gòn
11- Trung Tá Nguyễn Đình Chi Phụ Tá Chánh sở 3 ANQĐ - Cục An Ninh Quân Đội. Tự sát 30/4/1975 tại Cục An Ninh
12- Trung Tá Phạm Đức Lợi, phụ tá Trưởng Khối Không Ảnh P2/ Bộ TTM 30/4/1975
13- Trung Tá Vũ Đình Duy, trưởng Đoàn 66 Đà Lạt 30/4/1975
14- Trung Tá Nguyễn Văn Hoàn, trưởng Đoàn 67 Phòng 2 Bộ Tổng Tham mưu. Tự sát ngày 30/4/1975
15- Hải Quân Trung Tá Hà Ngọc Lương, Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Tự sát ngày 28/4/1975 cùng vợ, 2 con và cháu (bằng súng)
16- Thiếu Tá Đặng Sỹ Vĩnh, trưởng Ban Binh Địa P2 Bộ TTM, sau biệt phái qua Cảnh Sát 30/4/1975 tự sát cùng vợ và 7 con
17- Thiếu Tá Mã Thành Liên (Nghĩa), tiểu đoàn trưởng 411ĐP, TK Bạc Liêu- khoá 10 Đà Lạt. 30/4/1975 tự sát cùng vợ
18- Thiếu Tá Lương Bông, phó ty An Ninh Quân Đội Cần Thơ- Phong Dinh. Tự sát ngày 30/4/1975
19- Thiếu Tá Trần Thế Anh, đơn vị 101. Tự sát ngày 30/4/75
20- Đại Úy Vũ Khắc Cẩn, Ban 3, Tiểu Khu Quảng Ngãi. Tự sát 30/4/1975
21- Đại Úy Tạ Hữu Di, tiểu đoàn phó 211 Pháo Binh Chương Thiện. Tự sát 30/4/1975
22- Trung Úy CSQG Nguyễn Văn Cảnh, trưởng cuộc Vân Đồn, Q.8. Tự sát ngày 30/4/1975
23- Chuẩn Úy Đỗ Công Chính, TĐ 12 Nhảy Dù. Tự sát ngày 30/4/1975 tại cầu Phan Thanh Giản
24- Trung Sĩ Trần Minh, gác Bộ Tổng Tham Mưu. Tự Sát 30/4/1975
25- Thiếu Tá Đỗ Văn Phát, quận trưởng Thạnh Trị Ba Xuyên 1/5/1975
26- Thiếu Tá Nguyễn Văn Phúc, tiểu đoàn trưởng, Tiểu Khu Hậu Nghĩa 29/4/1975
27- Trung Tá Phạm Thế Phiệt 30/4/1975
28- Trung Tá Nguyễn Xuân Trân, Khoá 5 Thủ Đức, Ban Ước Tình Tình Báo P2 /Bộ TTM. Tự sát ngày 1/5/1975
29- Trung Tá Phạm Đức Lợi, Phòng 2 Bộ TTM, khóa 5 Thủ Đức, học giả, nhà văn, thơ, soạn kịch…bút danh: Phạm Việt Châu, cựu giảng viên SNQĐ, trưởng phái đoàn VNCH thực hiện HĐ Paris tại Hà Nội. Tự sát tại nhà riêng ngày 5/5/1975
30- Đại Úy Nguyễn Văn Hựu, trưởng Ban Văn Khố P2/Bộ TTM. Tự sát sáng 30/4/1975 tại P2/Bộ TTM
31- Thiếu Úy Nguyễn Phụng, CS đặc biệt, 30/4/1975 tại Thanh Đa, Sài Gòn
32- Thiếu Úy Nhảy Dù Huỳnh Văn Thái, khoá 5/69 Thủ Đức. 30/4/1975 tự sát tập thể cùng 7 lính Nhảy Dù tại Ngã 6 Chợ Lớn.
33- Trung Úy Đặng Trần Vinh (con của Thiếu Tá Đặng Sĩ Vinh), P2 BTTM. Tự sát cùng vợ con 30/4/1975
34- Trung Úy Nghiêm Viết Thảo, An Ninh Quân Đội, khóa 1/70 Thủ Đức. Tự sát 30/4/1975 tại Kiến Hòa
35- Thiếu Úy Nguyễn Thanh Quan (Quan Đen), phi công PĐ 110 Quan Sát (khóa 72). Tự sát chiều 30/4/1975
36- Hồ Chí Tâm B2, TĐ 490 ĐP (Mãnh Sư) TK Ba Xuyên (Cà Mau). Tự sát bằng súng M16 trưa 30/4/1975 tại Đầm Cùn, Cà Mau
37- Thượng Sĩ Phạm Xuân Thanh, trường Truyền Tin Vũng Tàu. Tự sát ngày 30/4/1975 tại Vũng Tàu
38- Thượng Sĩ Bùi Quang Bộ, trường Truyền Tin Vũng Tàu. Tự sát ngày 30/4/1975 cùng gia đình 9 người tại Vũng Tàu
39- …………………………….. và còn rất nhiều rất nhiều tấm gương sáng của những người Anh Hùng Quân Lực VNCH.

Danh sách này do một cựu SVSQ khoá 3/73 Thủ Đức sưu tầm từ những tư liệu không được đầy đủ, cần có một cơ quan nào đó làm việc cập nhật bản danh sách các anh hùng của QLVNCH để được đầy đủ và chính xác nhằm lưu danh cho hậu thế.


tamthebai.jpgBa mươi chín năm sau khi cuộc chiến kết thúc, đất nước vẫn chưa thật sự có tự do no ấm cho người dân, những quyền căn bản của một con người vẫn còn bị chà đạp thô bạo bởi độc tài đảng trị. Người ta có thể dễ dàng thống kê những thiệt hại về nhân mạng hay vật chất do cuộc chiến gây ra, nhưng không có một cách nào dù con người có tiến bộ tới đâu, để có thể đo lường được những hệ lụy, những tổn thất về tinh thần, những mất mát trong tâm hồn của những con người VN nạn nhân của cuộc chiến này. Làm sao đo được cái đau đớn của người mẹ mất con, làm sao hiểu thấu được cái đau đớn cùng cực của người vợ lính khi hay tin chồng mình đã bỏ mình trong cuộc chiến hay tuẫn tiết hy sinh để bảo toàn Danh Dự và Trách Nhiệm, và phải đơn độc cưu mang một bầy con thơ dại với một tương lai mịt mờ vô định, làm sao cảm nhận được nỗi chua sót của những người con phải lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương và dự dìu dắt của cha hay mẹ đã bỏ mình trong cuộc chiến, hay trong ngục tù CS? Không ... chắc chắn sẽ không ai có thể làm được công việc này, không một máy điện toán nào dù tinh vi đến đâu có thể tìm ra giải đáp cho nan đề này.

GoaPhu.jpg"I really miss my Daddy." ... câu nói của một người con có cha là một trong những vị Anh Hùng có tên trong danh sách vừa kể trên vừa thốt lên trong ngày hôm nay đã làm tôi thấy cay trong mắt và nghẹn nơi cổ. Tôi chỉ có thể nói lên lời tri ân về một món nợ ân tình mà người cho vay thì chẳng bao giờ đòi, còn chúng ta những kẻ chịu ơn thì chẳng bao giờ có thể trả nổi.

Dù muộn màng nhưng vẫn không quá trễ để trả lại Danh Dự cho một tập thể kiêu hùng VNCH, và hãy trả lại cho lịch sử một sự thật nguyên vẹn của lịch sử.

Nhóm Chủ Trương Trang Nhà VOBINHDINH.COM - 30/4/2014

Trở về trang "Gương Tiền Nhân"