PDC

Phó Đức Chính
Việt Nam Quốc Dân Đảng và Cuộc Khởi Nghiã Yên Bái


Phó Đức Chính sinh năm 1907 trong một gia đình nho học,tại làng Đa Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là con út trong gia đình có bốn anh chị em. Ông tốt nghiệp trường Công chính, và được bổ nhiệm sang Lào làm việc.

Tháng 12 năm 1927, Phó Đức Chính tham gia thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) mà Đảng trưởng là ông Nguyễn Thái Học, ông phụ trách công tác tổ chức và phát triển Đảng. Từ ngày 9 tháng 12 năm 1928, Phó Đức Chính giữ chức phó chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Sau cuộc ám sát tên trùm mộ phu khét tiếng Bazin, VNQD đảng bị khủng bố khắp nơi. Phó đức Chính bị bắt ở Lào, bị kết án tù treo, bị bãi chức Tham tá công chính vì thực dân Pháp không có đủ chứng cớ để buộc tội ông. Sau khi được thả tự do, ông tiếp tục dấn thân vào con đường Cách Mạng. Ông về Thanh Hoá trả những kỉ vật cho vị hôn thê là cô Thắm. Cũng như hầu hết các đảng viên VNQDĐ, Phó đức Chính nhận thức rõ ràng rằng một khi đã lựa chọn con đường cách mạng chống Thực Dân Pháp - một kẻ thù với sức mạnh quân sự áp đảo so với lực lượng cách mạng còn non yếu - thì chính là lựa chọn cái chết bất cứ lúc nào. Lựa chọn con đường hiểm nguy ấy, Phó đức Chính đã từ bỏ công danh, từ bỏ cuộc sống bình an, và từ bỏ cả người phụ nữ của mình.

Ngày 17 tháng 9 năm 1929,Tổng bộ VNQDĐ đã triệu tập Hội nghị tại Lạc Đạo bàn việc Tổng khởi nghĩa. Cuộc họp đã quyết định tổng khởi nghĩa với một câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học “Không thành công thì thành nhân”. Tại cuộc họp Tổng bộ ở làng Võng La, Hạ Bì (Thanh Thủy, Phú Thọ) có kẻ dẫn lính Tây đến bao vây. Phó Đức Chính bị bắn một viên đạn vào ngực nhưng vẫn chạy thoát. Vì không bắt được các vị lãnh đạo VNQDĐ, thực dân Pháp ra lệnh triệt hạ làng Võng La.

Ngày 26-1-1930, hội nghị đại biểu toàn quốc Việt Nam Quốc Dân Đảng họp tại làng Mỹ Xá, huyện Nam Sách (Hải Dương) đã quyết định tổng khởi nghĩa vào ngày 9/2/1930 vì tình hình thực dân Pháp đàn áp dữ dội. Sáng sớm ngày 9 tháng 2 năm 1930, quân Cách mạng VNQDĐ đổ về Yên Bái. Phó Đức chính mặc quân phục, diễn thuyết và phân phát khí giới. Vì lực lượng quân Cách mạng quá yếu và có nội gián nên khởi nghĩa Yên Bái đã thất bại. Phó Đức Chính đã chiến đấu anh dũng. Cho đến chiều ngày 15 tháng 2 năm 1930, ông bị bắt cùng với Nguyễn Văn Khôi tại làng Nam An. Tại phiên toà, sau khi bị kết án tử hình, được hỏi có chống án không, ông đã khẳng khái trả lời rằng: “Đời người ta làm có một việc, hỏng cả một việc, còn sống nữa mà làm gì”. Phàm là con người đều có hai mặt: một là bản năng tư nhiên, mặt kia là sự xét đoán của lý trí. Ham sống sợ chết là bản năng tự nhiên của con người. Ấy thế mà Phó Đức Chính cùng với mười hai vị lãnh đạo VNQDĐ, họ đã đón nhận cái chết ấy trong sự bình thản và sáng suốt đến kinh ngạc. Tình yêu Tổ quốc, tinh thần trách nhiệm đối với dân tộc của họ thật to lớn, đến nỗi nó lấn át cái bản năng ham sống sợ chết. Đối với những người như ông, tất cả sinh lực và tâm huyết của cả một đời người chỉ nhằm cứu lấy cái đất nước và dân tộc đang nằm trong xiềng xích, chứ không phải để sống một cuộc sống tầm thường và hưởng thụ. Đó quả là điều phi thường mà không phải người nào cũng làm được.

Năm giờ sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930, thực dân Pháp áp giải 13 chiến sĩ VNQDĐ ra hành hình:
• Nguyễn Thái Học
• Phó Đức Chính
• Bùi Tư Toàn
• Bùi Văn Chuẩn
• Nguyễn An
• Hà Văn Lạo
• Đào Văn Nhít
• Ngô Văn Du
• Nguyễn Đức Thịnh
• Nguyễn Văn Tiềm
• Đỗ Văn Sứ
• Bùi Văn Cửu
• Nguyễn Như Liên


Ông đã đòi được nằm ngửa để xem lưỡi dao máy chém rơi xuống. Ông chỉ kịp hô “Việt Nam vạn tuế” khi lưỡi dao rơi xuống. Lúc đó ông chưa tròn hai mươi bốn tuổi. Phó đức Chính lúc sống là người lãnh đạo tài giỏi, đến lúc ông chết cũng có thể dùng cái chết của mình để cổ vũ những người ở lại, tiếp thêm sức mạnh cho biết bao thanh niên yêu nước đương thời trong cuộc đấu tranh giành độc lập và dân chủ cho dân tộc. Khí khái của ông mang một ý nghĩa biểu tượng vô cùng to lớn, nó đã thách thức chế độ thực dân Pháp rằng không thể dùng nhà tù, máy chém để khủng bố người dân Việt Nam vì điều đó sẽ không thể khuất phục nổi những trái tim Việt Nam yêu nước nồng nàn, những con người sẽ anh dũng chiến đấu cho nền Độc lập. Biểu tượng ấy ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị của nó, rằng cường quyền của những chế độ độc tài mãi mãi sẽ không bao giờ khuất phục được những người yêu nước chân chính, vì tình yêu nước, yêu tự do mãnh liệt sẽ vượt lên tất cả những sợ hãi gông cùm, bạo lực và cái chết. Người thanh niên anh hùng Phó đức Chính cùng các đồng chí của ông đã ra đi trong sự tiếc thương của dân tộc, để lại một kế hoạch chính trị to lớn còn dở dang, có khả năng thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Nhưng tấm gương của các ông mãi mãi sáng chói để những người trẻ Việt Nam ngày nay nhìn lại chính mình, chiến thắng sự thờ ơ và những đam mê tầm thường để suy ngẫm về trách nhiệm của bản thân đối với tiền đồ dân tộc.

Thương tiếc các vị anh hùng vị quốc vong thân, trong số các bài thơ ca, có bài thơ "Ngày Tang Yên Bái" được in trong sách giáo khoa tiểu học thời bấy giờ:

Ngày Tang Yên Bái

Gió căm hờn rền rĩ tiếng gào than
Từ lưng trời sương trắng rủ màn tang
Ánh mờ nhạt của bình minh rắc nhẹ
Trên Yên Bái đang u sầu và lặng lẽ
Giữa mấy hàng gươm sáng tỏa hào quang
Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang
Thong thả tiến đến trước đài danh dự
Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ
Vài cụ già đầu bạc, lệ tràn rơi
Ngất người sau tiếng rú: "Ới, con ơi!"
Nét u buồn chợt mơ màng thoáng gợn
Trên khóe mắt đã từng khinh đau đớn
Của những trang anh kiệt sắp lìa đời
Nhưng chỉ trong giây lát vẻ tươi cười
Lại xuất hiện trên mặt người quắc thước
Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường
Éo le thay! Muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát bao lòng mình quí mến
Nhưng này đây, phút thiêng liêng đã đến
Sau cái nhìn chào non nước bi ai
Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng
"Việt Nam muôn năm!" Một đầu rơi rụng
"Việt Nam muôn năm!" Người kế tiến lên
Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.



Trở về trang "Gương Tiền Nhân"